TUYÊN TRUYỀN PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU TRONG TRƯỜNG MẪU GIÁO TRẦN QUANG DIỆU
Khái quát tình hình dịch bệnh hiện nay
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh).
Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn.
Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.
Trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay. Trường Trường MG TQ Diệu trân trọng gửi đến quý phụ huynh và CB,GV,NV trong trường bài tuyên truyền về bệnh bạch hầu như sau:
Định nghĩa bệnh bạch hầu:
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể, có thể dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau đặc biệt là đối với trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ đúng thời điểm
Tác nhân gây bệnh, đường lây bệnh bạch hầu:
Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da…
3. Triệu chứng nhận biết bệnh bạch hầu
3.1.Đau họng, khó nuốt
Người mắc bệnh bạch hầu thường có cảm giác đau rát và khó chịu ở cổ họng. Cảm giác này giống như bị viêm họng nhưng thường nặng hơn và kéo dài hơn. Khi nuốt, cơn đau sẽ tăng lên, gây khó khăn trong việc ăn uống và thậm chí là nuốt nước bọt.
3.2. Xuất hiện màng giả màu xám
Một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu là sự xuất hiện của một lớp màng giả màu xám trắng trong cổ họng, amidan, hoặc mũi. Lớp màng này được tạo thành từ các tế bào chết, vi khuẩn, và các chất tiết khác. Nó có thể lan rộng và dính chặt vào các mô dưới, làm cho việc loại bỏ trở nên khó khăn và gây chảy máu. Nếu màng này lan xuống thanh quản hoặc khí quản, nó có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến khó thở nghiêm trọng.
3.3. Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết ở cổ (thường là dưới hàm hoặc ở bên cổ) có thể sưng to và trở nên đau đớn. Tình trạng này thường đi kèm với sưng cổ, tạo nên hình dạng giống cổ bò, là một đặc điểm điển hình của bệnh bạch hầu nặng. Sưng hạch có thể làm cổ cứng và đau khi chạm vào hoặc khi di chuyển đầu.
3.4. Sốt và ớn lạnh
Người mắc bệnh thường bị sốt, có thể từ nhẹ (khoảng 38°C) đến cao (trên 39°C). Sốt thường kèm theo cảm giác ớn lạnh, run rẩy và mệt mỏi. Đây là phản ứng của cơ thể khi cố gắng chống lại nhiễm trùng. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải và mất sức.
3.5. Khó thở và ho khan
Khi lớp màng giả lan rộng, nó có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến khó thở. Người bệnh có thể thở nhanh, nông và cảm thấy tức ngực. Ho khan, không có đờm, cũng thường xuất hiện. Nếu tình trạng tắc nghẽn nặng, có thể dẫn đến tình trạng ngạt thở, đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
4. Biến chứng của bệnh:
Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau: Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
5.Cách phòng tránh bệnh bệnh Bạch hầu
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau
5.1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: DPT-VGB-Hib (SII) hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.
5.2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5.3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, gọn gàng và có đủ ánh sáng.
5.4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5.5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
BA MẸ LƯU Ý ĐỂ CÁC THIÊN THẦN NHỎ LUÔN ĐƯỢC AN TOÀN NHÉ



































